Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Cần đầu tư nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục


Bên cạnh các vấn đề  nóng về quy hoạch, thành lập, nâng cấp các trường đại học, cao đẳng, liên kết đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Thì tình trạng cơ sở vật chất của các trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, nạn chạy trường, dạy thêm, học thêm, lạm thu, thiếu trường mầm non công lập… cũng được các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước đặc biệt quan tâm, trong phiên họp chất vấn Bộ trưởng Giáo Dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận, sáng ngày 24/11.

3 Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Cần đầu tư nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận

Đại biểu Ya Đuck ( Lâm Đồng ) hỏi về tình trạng thiếu giáo viên, cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục miền núi những chính sách đưa ra chưa thu hút vẫn còn nhiều bất cập?

Để trả lời cho câu hỏi trên Bộ trưởng nói: ở khu vực dân tộc miền núi, ngành giáo dục đã có nhiều nỗ lực. Tuy nhiên, chính sách đối với giáo viên, học sinh khu vực này còn hạn chế. Chẳng hạn, việc giáo viên được thu hút lên khu vực này chỉ được hưởng chế độ  hỗ trợ trong 5 năm mà đúng ra thì phải lâu hơn nữa. Vì vậy, sau kỳ họp này sẽ làm việc với Ủy ban Dân tộc để rà soát, thay đổi chính sách.

Về giáo dục mầm non, vấn đề các đại biểu quan tâm là chế độ đãi ngộ cho các giáo viên ở bậc học này chưa thật tương xứng. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế đất nước hiện nay, ngành giáo dục chỉ đảm bảo được các điều kiện cho việc phổ cập mầm non 5 tuổi.

Nguyên nhân được Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đưa ra là do mở quá nhiều trường, mở ra nhiều ngành học mới, vượt quá nhu cầu; các trường chưa công khai về điều kiện đảm bảo chất lượng. Về quản lý nhà nước, Bộ trưởng khẳng định, quản lý nhà nước còn bất cập yếu kém. Tuy nhiên, những năm gây đây đã có bước thay đổi tích cực

Vấn đề trường mầm non cho con em công nhân, theo Bộ trưởng vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn nên chưa thể giải quyết dứt điểm được, sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu và báo cáo sau. Về chức danh bảo mẫu, hiện nay các trường chỉ có cô giáo mầm non cáng đáng nhiều công việc khác nhau, vẫn chưa có biên chế về cô giáo bảo mẫu. Bộ sẽ xem xét, tính toán đề xuất thêm chức danh này.

Trả lời đại biểu Trương Thị Ánh, Bộ trưởng cũng nhận thấy mức lương hiện nay chưa đáp ứng được đầy đủ mức sống cho giáo viên, đặc biệt giáo viên bậc mầm non, tiểu học.  Bộ đang phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Lao động- Thương binh- Xã hội để đề xuất tăng tiền lương cho giáo viên.

Một số đại biểu khác đề nghị Bộ trưởng trả lời thêm một số nội dung: về giải pháp đột phá để chấm dứt tình trạng yếu kém của ngành Khoa học xã hội, vấn đề thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục đại học. Các đại biểu rất mong Bộ trưởng khẳng định cụ thể thời gian nào sẽ chấn chỉnh được tình trạng lạm thu và dạy thêm, học thêm tràn lan trong nhà trường.

Liên quan đến vấn đề liên kết đào tạo, Bộ trưởng khẳng định hình thức đào tạo tại chức không có lỗi. Đã có nhiều nhà khoa học, giáo dục nổi tiếng của nước ta trưởng thành từ phong trào tự học. Lỗi do công tác quản lý, triển khai chưa quan tâm đến chất lượng, chạy theo bằng cấp… Trong thời gian tới, Bộ sẽ chấn chỉnh để khắc phục, tuy nhiên xã hội cần nhìn nhận vai trò của các lớp đào tạo tại chức ở các địa phương là cần thiết, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, khó khăn.

Sau phiên trả lời của Bộ trưởng, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân báo cáo Quốc hội một số vấn đề về giáo dục Việt Nam hiện nay. Phó thủ tướng thừa nhận một số hạn chế trong giáo dục hiện nay như chương trình học nặng về kiến thức, thiếu giáo dục kỹ năng. Từ 2007-2008, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã phối hợp với cơ quan trong và ngoài nước xây dựng chương trình mới cho giáo dục phổ thông, dự kiến áp dụng sau năm 2015. Ngoài ra, Phó thủ tướng còn cho biết thêm hàng năm, Chính phủ đầu tư 20% ngân sách cho giáo dục, tuy nhiên, nhu cầu của ngành hiện nay còn rất lớn. Quá trình phổ cập tiểu học phải mất 25 năm mới hoàn thành, Trung học cơ sở mất 10 năm, chương trình phổ cập mầm non cho trẻ năm tuổi mất  5 năm. Vì vậy, mong các đại biểu chia sẻ cho khó khăn của ngành khi nguồn lực chung phải tập trung cho từng giai đoạn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét phiên chất vấn thẳng thắn, phong phú, sôi nổi thể hiện sự quan tâm của xã hội với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Nhìn chung, giáo dục trong nước thời gian qua đã đạt dược một số kết quả quan trọng như tăng quy mô đào tạo, chất lượng giáo dục đã được chú ý hơn, nhu cầu học tập được đảm bảo ngày càng tốt hơn. Chốt lại, phiên trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, chủ tịch nói: cần đổi mới thật sự về quản lý trong phân cấp, mở rộng hệ thống, mạng lưới đào tạo trong và ngoài công lập để bảo đảm chất lượng giáo dục là hàng đầu. Tiếp tục đầu tư cho giáo dục, đặc biệt chú ý đến đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển đồng đều giữa các vùng. Mở rộng hợp tác quốc tế để phát huy nguồn nhân lực trẻ của đất nước.

Bạch Dương (Theo phamvuluan)


(Theo website Tất Thành Cang)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét