Thứ Ba, 20 tháng 5, 2008

Phát biểu của ĐBQH Tất Thành Cang tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XII


ĐBQH Tất Thành Cang

ĐBQH Tất Thành Cang

Kính thưa Quốc hội

Tôi nhất trí cao với nội dung Báo cáo thẩm tra của Ủy ban văn hóa giáo dục về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xuất bản. Đó là những vấn đề rất sát với thực tiễn hoạt động xuất bản hiện nay. Nếu quá trình sửa đổi chúng ta chỉ dừng lại ở một số nội dung như Tờ trình của Chính phủ thì có khả năng 1 hoặc 2 năm nữa Quốc hội chúng ta lại phải tiếp tục để sửa luật ở những nội dung đã được giám sát và báo cáo trước Quốc hội của ngày hôm nay.

Nội dung thứ hai, tôi xin được góp ý ở mấy nội dung lớn. Nội dung thứ nhất đó là liên quan đến Điều 11, 12, 13, 14 của Luật xuất bản, theo các điều này thì nhà xuất bản tồn tại theo 2 loại hình, một là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện, hai là đơn vị sự nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình chúng ta triển khai thì Điều 12, 13, 14 chúng ta chỉ mới quy định các chức danh và tổ chức thực hiện theo quy định là một đơn vị sự nghiệp chứ chúng ta chưa đề cập đến hoạt động của nhà xuất bản với tư cách là một doanh nghiệp. Ở đây tôi muốn nói đến đã là một doanh nghiệp thì theo Luật doanh nghiệp năm 2005, nhưng Luật xuất bản chúng ta là 2004, do đó chưa đề cập đến ở những nội dung này. Một là Hội đồng thành viên trong doanh nghiệp Nhà nước một thành viên. Hai là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ba là chủ sở hữu vốn. Bốn là đại diện sở hữu vốn trong doanh nghiệp xuất bản. Do đó, để phù hợp với yêu cầu phát triển của báo chí xuất bản trong giai đoạn mới như sự lãnh đạo của Đảng nên thành những tập đoàn tổ hợp đủ mạnh trong cạnh tranh quốc tế và đồng thời kỳ này chúng ta cũng phải đề cập đến những nội dung mà Luật xuất bản chúng ta chưa đề cập đến trong phạm vi điều chỉnh của mình. Do đó tôi đề nghị 3 nội dung sau đây.

Một, trong Điều 12, 13, 14 chúng ta cũng phải tính đến việc bổ nhiệm Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên đối với các doanh nghiệp xuất bản. Bởi vì đây là những doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện, do đó tiêu chuẩn của chủ Hội đồng thành viên là cực kỳ quan trọng chúng ta phải nêu ra.

Hai là, mối quan hệ giữa chủ sở hữu chủ quản trong các loại hình doanh nghiệp này, có thể một nhà xuất bản có chủ sở hữu là một doanh nghiệp. Tôi nói ví dụ: Nhà xuất bản văn hóa Sài Gòn có chủ sở hữu là Tổng Công ty văn hóa Sài Gòn. Đây cũng được hiểu là chủ quản của Nhà xuất bản Sài Gòn, nhưng một số Nhà xuất bản khác cũng với tư cách là doanh nghiệp, nhưng có chủ sở hữu là một tổ chức chính trị – xã hội, ví dụ Nhà xuất bản Trẻ là doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn một thành viên, nhưng thuộc tổ chức chính trị – xã hội là Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó mối quan hệ giữa chủ sở hữu chủ quản phải được quy định chi tiết trong Điều 12, 13, 14 này để cụ thể hóa nhiệm vụ, chức năng và quyền hạn của các đơn vị trong quá trình lãnh đạo, phát triển hoạt động của Nhà xuất bản.

Ba là những nội dung chi phối có điều kiện của một doanh nghiệp có điều kiện được thể hiện như thế nào trong điều lệ của một doanh nghiệp xuất bản. Tôi muốn nói hiện nay nếu điều lệ của một công ty thì chúng ta làm theo Luật doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện, phải có luật chuyên ngành chi phối và như vậy thì một trong những điều kiện bổ sung vào trong điều lệ của các doanh nghiệp kinh doanh ngành xuất bản thì Luật xuất bản chúng ta phải đề cập tới những nội dung cơ bản.

Nội dung thứ hai, tôi xin được góp: đó là hiện nay trong quá trình chúng ta tăng cường phân cấp về công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, trong đó có công tác phân cấp quản lý cán bộ đã giao mạnh về cho địa phương. Ví dụ, hiện nay Quyết định 75 của Ban bí thư Trung ương Đảng ban hành vào tháng 8/2007 về quy chế, về công tác cán bộ trong lĩnh vực báo chí đã phân cấp mạnh. Báo chí của Trung ương thì công tác cán bộ do Ban Tuyên giáo của Trung ương Đảng và Bộ Thông tin truyền thông hiện nay sẽ thỏa thuận trước khi cơ quan chủ quản bổ nhiệm.

Đối với báo chí địa phương là do Ban tuyên Giáo tỉnh, thành ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quá trình làm công tác cán bộ và giao cho chủ quản bổ nhiệm. Do đó tôi đề nghị sửa Khoản 3, Điều 13 theo hướng Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc, Tổng Biên tập các nhà xuất bản thuộc các cơ quan Trung ương thì cơ quan chủ quản hoặc là chủ sở hữu sẽ bổ nhiệm sau khi thỏa thuận với Bộ Thông tin truyền thông.

Đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc, Tổng biên tập, các nhà xuất bản địa phương sau khi thỏa thuận với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì chủ sở hữu hoặc cơ quan chủ quản sẽ được bổ nhiệm theo như phân cấp. Ở đây Khoản 3, Điều 7 của Luật Xuất bản đã có nói tới “Ủy ban nhân dân tỉnh, thành là cơ quan quản lý Nhà nước địa phương đối với nhà xuất bản địa phương”.

Nội dung thứ ba, Điều 38, trong cấp phép hoạt động kinh doanh xuất bản phẩm ở Tiết b, Khoản 1, chúng ta có nói đến nhân lực đủ trình độ ngoại ngữ, nghiệp vụ nhập khẩu. Tuy nhiên khi chúng ta nhập khẩu xuất bản phẩm, điều quan trọng nhất là xuất bản phẩm đó nó liên quan đến chuyên ngành nào về khoa học, kỹ thuật, giáo dục, văn hóa hay văn học nghệ thuật. Do đó tôi đề nghị ở đây đủ nhân lực, có đủ trình độ chuyên môn về chuyên ngành và ngoại ngữ thì chúng ta mới cấp phép. Còn nghiệp vụ xuất, nhập khẩu thì việc đó chúng ta có thể thuê tư vấn cũng được.

Về chế tài xử lý vi phạm trong hoạt động xuất bản hiện nay, đặc biệt đó là vấn đề xuất bản và phát hành sách lậu, tôi cho đây là vấn đề bức xúc nhất. Nói đến vấn đề này, chúng ta đề cập đến 3 đối tượng: Một là tổ chức, cá nhân kinh doanh sách lậu, tổ chức ở đây tôi muốn nói có những doanh nghiệp đã đứng ra làm hoặc những cá nhân đứng ra làm; Hai là cơ sở in sách lậu; Ba là tổ chức, cá nhân phát hành sách lậu. Do đó, ở nội dung này, tôi đề nghị chúng ta nghiên cứu đến 3 đối tượng này.

Ba tác hại lớn của sách lậu đối với xã hội là:

Một là làm mất uy tín của quốc gia, của nước Việt Nam ta nếu sách đó là sách chúng ta đã thương lượng mua bản quyền của nước ngoài và vi phạm Công ước Berne về tác quyền, mất uy tín của Nhà xuất bản làm ăn chân chính, vì Nhà xuất bản làm ăn chân chính phải ký hợp đồng thương lượng và mua bản quyền, bị đơn vị khác lột sách, mất uy tín.

Hai là khách hành, người dân khi mua các loại sách này sẽ bị chịu thiệt, chất lượng kỹ thuật in ấn và mỹ thuật không đảm bảo, nội dung nhiều khi không chính xác, không ai chịu trách nhiệm vì đã làm sách lậu không có nộp lưu chiểu, ảnh hưởng lớn đến việc nhận thức và tri thức thông tin của người đọc sau tiếp nhận ở các loại sách này.

Ba là dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, vì trốn thuế và trốn được tiền tác quyền.

Do đó, tôi đề nghị đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật làm sách lậu như đã trình bày ở trên, phải bị rút giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực hoạt động của mình. Nếu chỉ phạt tiền vài chục triệu, hàng trăm triệu đồng không đủ sức ngăn chặn, răn đe trong tình trạng làm lậu sách quá nhiều như hiện nay. Tôi xin hết.


(Theo website Tất Thành Cang)