Thứ Năm, 23 tháng 3, 2006

Bí thư Thành Đoàn TP.HCM Tất Thành Cang: Đoàn phải là người bạn của thanh niên


“Toàn cầu hóa”, “Thời đại kỹ thuật số”… những cụm từ đang trở thành hơi thở của cuộc sống hiện đại. Mọi đổi thay của xã hội đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống của giới trẻ.

Trong bối cảnh đó, dự báo về những đổi thay và thách thức đối với tổ chức Đoàn sẽ như thế nào? Chúng tôi có cuộc trao đổi với anh Tất Thành Cang – bí thư Thành đoàn TP.HCM.

Anh Tất Thành Cang

Anh Tất Thành Cang

* Thưa anh, trong bối cảnh phát triển của xã hội hiện đại, trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập đang diễn ra mạnh mẽ, tổ chức Đoàn chuẩn bị cho mình những gì để đồng hành với thanh niên?

- Thực tiễn đất nước, xã hội và cuộc sống đang thay đổi từng ngày. Nhà máy, xí nghiệp, trường học đang thay đổi. Đoàn phải giữ vững bản chất chính trị của mình nhưng phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, cả mô hình tổ chức cơ sở của Đoàn cho phù hợp. Thay đổi từ cách thức tổ chức phong trào đến nhiệm vụ tập hợp, chăm lo và khơi sức thanh niên.

Mục tiêu của Đoàn là hướng tới thanh niên, vì thanh niên, công việc của Đoàn là công việc của thanh niên. Và như vậy tính hiệu quả được đặt lên hàng đầu trong khi phương thức, cách làm lại cần sự năng động, sáng tạo cho phù hợp với từng cơ sở. Thực tiễn chỉ ra rằng hiện nay thanh niên có nhiều quyền lựa chọn với rất nhiều tác động đan xen tích cực lẫn tiêu cực. Đó là một thách thức lớn mà tổ chức Đoàn phải vượt qua.

* Giải pháp nào để Đoàn vượt qua thách thức đó?

- Đối với người làm công tác Đoàn, điều trăn trở lớn nhất là làm sao hiểu được thanh niên, đến với thanh niên và làm cho thanh niên đến với Đoàn. Là người bạn của thanh niên, chúng tôi thực hiện nhiều giải pháp mang tính đồng bộ: hỗ trợ thanh niên trong mọi nhu cầu hợp pháp và chính đáng, từ việc học, việc làm, rèn luyện nhân cách, vui chơi giải trí…

Chúng tôi xem mỗi thanh niên là một chủ thể năng động, sáng tạo, việc của Đoàn là hỗ trợ, từ đó khơi sức để thanh niên vươn lên chứ không làm thay, vì như vậy Đoàn sẽ không thể đáp ứng được và đáp ứng hết nhu cầu thanh niên. Đơn cử như trong lĩnh vực nghề nghiệp việc làm, bên cạnh những giải pháp về vốn, tay nghề giúp thanh niên vượt nghèo, Đoàn rất chú trọng các giải pháp giúp thanh niên làm giàu một cách chính đáng và hợp pháp. Để làm được điều đó, bản thân sự nỗ lực của thanh niên đóng vai trò quyết định.

Ở đây, vai trò của Đoàn là động viên, khích lệ, đương nhiên có cả những hỗ trợ cụ thể như vốn, tay nghề, kiến thức chuyên môn… Cách làm việc của Thường vụ Thành đoàn là đánh giá đúng thực chất vấn đề, đối tượng để xây dựng phong trào chứ không phải đóng cửa phòng ngồi viết kế hoạch. Mỗi chủ trương mới, phong trào mới đều xuất phát từ thực tiễn ở cơ sở và nhu cầu thanh niên chứ không phải từ Thành đoàn.

* Nếu có một hình dung về bức tranh của Đoàn trong 5-10 năm tới, anh sẽ nói gì?

- Không phải hình dung mà là thực tiễn: trong đường lối phát triển kinh tế của thành phố, đất nước; chúng ta đang ở trong sân chơi hội nhập. Chân dung Đoàn sẽ như thế nào tùy thuộc khả năng Đoàn tập hợp thanh niên ra sao. Nói cách khác, phải làm thanh niên tin vào Đoàn bằng các chương trình hành động thiết thực của Đoàn.

Để làm được điều đó, Đoàn sẽ mạnh dạn đưa ra nhiều loại hình để thanh niên đến chơi, gắn bó với nhau, để đến cuối năm 2007, tỉ lệ thanh niên đến với Đoàn – Hội sẽ ở mức trên 50% (gấp đôi hiện nay).

Người cán bộ Đoàn khi đó phải có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng giỏi, đặc biệt là những kỹ năng của thời đại như vi tính, ngoại ngữ… Người cán bộ Đoàn phải thấu hiểu được suy nghĩ của thanh niên, trăn trở với những vấn đề của thanh niên. Đương nhiên không thể thiếu những “món” sở trường: kỹ năng nói trước đám đông, khả năng tổng hợp và phân tích tình hình thanh niên…

* Như vậy, thách thức lớn nhất của một cán bộ Đoàn là gì?

- Yêu cầu đặt ra đối với cán bộ Đoàn trong thời kỳ mới là phải bằng và hơn thanh niên. Bằng thanh niên ở trình độ chuyên môn, các kỹ năng, kiến thức cần thiết cho cuộc sống hiện đại; hơn thanh niên về bản lĩnh chính trị và điều quan trọng là phải biết khơi gợi, truyền lửa ước mơ, hoài bão cho thanh niên.

Giữa bộn bề nhu cầu của thanh niên, người cán bộ Đoàn phải có đủ bản lĩnh đối mặt và vượt lên tất cả. Vấn đề là phải biết tìm nguồn lực hỗ trợ, biết khai thác những cơ sở, thiết chế và nguồn lực sẵn có tại địa phương, đơn vị để tổ chức hiệu quả hoạt động Đoàn.

Thay vì hô hào, cán bộ Đoàn phải biết tổ chức các hoạt động cụ thể, thiết thực để thu hút thanh niên theo mình. Người cán bộ Đoàn hiện nay đứng trước đòi hỏi rất lớn: phải vừa là một nhà thực tiễn, nhà tâm lý, nhà giáo dục, nhà ngoại giao, nhà quản lý… và vượt lên tất cả, phải thật sự là bạn đồng hành của thanh niên.

Thực tế xã hội sẽ trả lời bạn là người có làm được việc hay chỉ biết hô hào suông mà thôi. Thực tiễn luôn luôn công bằng với tất cả.

* Xin cảm ơn anh.

 

Kim Anh


(Theo website Tất Thành Cang)