Thứ Ba, 30 tháng 12, 2008

Anh Tất Thành Cang tham dự Hội nghị BCH Thành Đoàn TP.HCM mở rộng lần thứ 5


Ngày 30/12/2008, Hội nghị Ban Chấp hành Thành Đoàn TP.HCM mở rộng lần thứ 5 – nhiệm kỳ VIII đã thảo luận, thông qua 10 nội dung nổi bật của công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi TP.HCM năm 2008.

1. Cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác” tiếp tục lan tỏa trong đoàn viên, thanh thiếu nhi thành phố. Hơn 300.000 đoàn viên, thanh niên tham gia học tập 2 chuyên đề “Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu” và tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”; các hoạt động học tập được tổ chức dưới nhiều hình thức: kể chuyện dưới cờ, xem phim, các lớp nghiên cứu, quán triệt, hội thi, viết bài cảm nhận, sinh hoạt chủ điểm, gặp gỡ nhân chứng lịch sử, tham quan di tích lịch sử… Bên cạnh việc học tập, các cơ sở Đoàn đẩy mạnh hoạt động “làm theo lời Bác” nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi Thi đua yêu nước, chủ đề “Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị”, xung kích thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Ban Thường vụ Thành Đoàn tổ chức hội thi “Tuổi trẻ làm theo lời Bác” với 158 công trình, sản phẩm tham gia, ngày hội thanh niên làm theo lời Bác. Tại cơ sở, các đơn vị đã vận động 330.979 đoàn viên, thanh niên xem phim về cuộc đời và sự nghiệp Bác Hồ, trong đó có 235.900 đoàn viên, thanh niên viết bài cảm nhận; 143.038 đoàn viên, thanh niên viết “Nhật ký làm theo lời Bác”, thực hiện 27.682 công trình thanh niên, 175.091 phần việc “Thanh niên làm theo lời Bác”.

2. Các hoạt động giáo dục lịch sử dân tộc được đầu tư đẩy mạnh với đợt hoạt động kỷ niệm 40 năm cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, tổ chức Đêm hội “Bản hùng ca mùa xuân” ôn lại truyền thống hào hùng và khí phách kiên cường của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân. Cuộc vận động “Sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu sử ca Việt Nam” góp phần giáo dục lòng tự hào về truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc ta thông qua các ca khúc viết về các sự kiện, anh hùng dân tộc, truyền thuyết và cổ tích của dân tộc. Cuộc thi Nhà sử học trẻ tuổi tiếp tục nhận được sự hưởng ứng tích cực của đoàn viên, thanh niên và các tầng lớp nhân dân, thu hút gần 40.000 bài dự thi. Tại cơ sở, các đơn vị tổ chức phụng dưỡng thường xuyên 1.348 bà mẹ Việt Nam anh hùng, tổ chức trên 3.000 hội trại, lễ hội truyền thống thu hút gần 1 triệu lượt thanh niên tham gia; tổ chức Hành trình đến với bảo tàng cho 326.338 lượt thanh niên …

Một tiết mục trong vòng chung kết hội thi hát Sử ca Việt Nam tại NVH Thanh niên

Một tiết mục trong vòng chung kết hội thi hát Sử ca Việt Nam tại NVH Thanh niên

3. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP. Hồ Chí Minh đón nhận danh hiệu anh hùng lao động “với thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo từ năm 1997 – 2006, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, thể hiện sự ghi nhận và đánh giá cao của Đảng và Nhà nước đối với quá trình nỗ lực phấn đấu của các thế hệ đoàn viên, thanh niên Thành phố. Nhân sự kiện này, các cơ sở Đoàn tổ chức nhiều hoạt động giáo dục như tuyên dương điển hình thanh niên tiên tiến, tuyên dương đoàn viên tiêu biểu, đối thoại về vai trò của Đoàn và thanh niên với việc phát huy truyền thống của Đoàn, xung kích tham gia thực hiện nhiệm vụ kinh tế – xã hội của địa phương, đơn vị.

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP. Hồ Chí Minh đón nhận danh hiệu anh hùng lao động

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP. Hồ Chí Minh đón nhận danh hiệu anh hùng lao động

4 . Hoạt động tuyên dương điển hình thanh niên: Hầu hết các khu vực, đối tượng đều có thanh niên tiêu biểu được phát hiện và tuyên dương: Ban Thường vụ Thành Đoàn trao giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi cho 44 thanh niên công nhân có thành tích xuất sắc trong lao động sáng tạo, tuyên dương 97 giáo viên trẻ tiêu biểu TP. Hồ Chí Minh, tuyên dương 5 Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM và 68 điển hình thanh niên tiêu biểu năm 2008 (tổ chức ngày 1/1/2009), 57 điển hình Sinh viên 3 tốt (tổ chức ngày 4/1/2009). Tại cơ sở, có 21.236 điển hình thanh niên trên các lĩnh vực được tuyên dương và nhân rộng, trong đó có 4.522 điển hình thanh niên thực hiện nghĩa cử đẹp, 3.107 điển hình Người con hiếu thảo, 3.669 điển hình thanh niên lao động giỏi…

44 thanh niên công nhân có thành tích xuất sắc trong lao động sáng tạo được Ban Thường vụ Thành Đoàn trao giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi

44 thanh niên công nhân có thành tích xuất sắc trong lao động sáng tạo được Ban Thường vụ Thành Đoàn trao giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi

5. Hoạt động đồng hành với thanh niên trong học tập, mưu sinh, lập nghiệp: các cơ sở Đoàn đã vận động, trao tặng hơn 19.587 suất học bổng trị giá 13,087 tỷ đồng; bảo lãnh, hướng dẫn 16.885 đoàn viên, thanh niên lập hồ sơ vay vốn từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, từ Ngân hàng Chính sách xã hội… với số vốn vay là 214,770 tỷ đồng (429,54%); tổ chức 161 ngày hội việc làm, giới thiệu việc làm cho 77.786 thanh niên. Chương trình “Vì ngày mai phát triển” sau hơn 20 năm triển khai thực hiện đã tổ chức 226 đợt trao học bổng cho 15.953 sinh viên học sinh khắp cả nước với tổng kinh phí hơn 139 tỉ đồng, với các chương trình lớn như: học bổng “Học trò giỏi hiếu thảo”, “Tiếp sức đến trường”, “Chung một ước mơ”, “Vượt khó – học giỏi”; tổ chức chương trình “Ước mơ của Thúy” gây quỹ giúp bệnh nhi nghèo mắc bệnh ung thư thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

6. Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn thành năm 2008: với 500 đại biểu đại diện cho 258.700 cháu ngoan Bác Hồ toàn thành phố tham dự, Đại hội tuyên dương 67 gương điển hình tiêu biểu xuất sắc trong các lĩnh vực: Dũng sĩ kế hoạch nhỏ, Vượt khó – Giúp bạn vượt khó, Học tốt – Chăm ngoan, Vận động viên nhỏ tuổi – Nghệ sĩ nhỏ, Xây dựng Đội; đúc kết các phong trào của thiếu nhi thành phố: phong trào “Bạn giúp bạn”, “Hoa chăm ngoan”, “Hoa học tốt”, “Hoa vui khỏe” để thi đua làm tốt 5 điều Bác Hồ dạy. Năm học 2007 – 2008, với chủ đề “Học tập tốt, làm việc tốt – Phấn đấu Cháu ngoan Bác Hồ”, đã có 232.009 gương thiếu nhi “chăm ngoan – học tốt” với 2.396.774 hoa điểm mười, 57.250 gương thiếu nhi vượt khó học giỏi, 61.769 thiếu nhi được giúp đỡ trong phong trào “Giúp bạn vượt khó”, 8.056 nghệ sĩ – vận động viên nhỏ tuổi, 735 chỉ huy Đội giỏi cùng hàng triệu việc tốt của thiếu nhi thành phố đã được chính các em ghi nhận trong “Nhật ký của em làm theo lời Bác”.

Các đồng chí lãnh đạo thành phố chụp ảnh lưu niệm với đại hội Cháu ngoan Bác Hồ

Các đồng chí lãnh đạo thành phố chụp ảnh lưu niệm với đại hội Cháu ngoan Bác Hồ

7. Đợt hoạt động kỷ niệm 15 năm phong trào tình nguyện của thanh niên TP. Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện chủ đề năm “Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị”: các cơ sở Đoàn đã tổ chức thực hiện hiệu quả các chiến dịch tình nguyện hè năm 2008 và ngày hội kỷ niệm 15 năm phong trào thanh niên tình nguyện TP.HCM, thu hút hơn 80.000 lượt chiến sĩ tình nguyện, thực hiện 655 công trình thanh niên, trong đó có 15 công trình chào mừng 15 năm phong trào thanh niên tình nguyện; xây dựng 225 căn nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà tình bạn với tổng trị giá gần 3,5 tỷ đồng; khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho hơn 83.000 lượt người; đắp và làm mới 28,436 km đường và xây 20 cây cầu nông thôn với tổng kinh phí 3,66 tỷ đồng. Hưởng ứng “Năm thực hiện nếp sống văn minh đô thị”,  Ban Thường vụ Thành Đoàn tổ chức 5 ngày Chủ nhật xanh lần thứ 73, 74, 75, 76, 77 thực hiện công trình “Làm gọn cáp điện thoại, viễn thông và sạch đẹp tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai”; thực hiện công trình cải tạo khu vực rạch Hàng Bàng (quận 6), giải tỏa 55 tấn rác, khơi thông dòng chảy hơn 525m kênh, thực hiện công trình chuyển hóa 10 khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao trên địa bàn thành phố…

8. Hoạt động giao lưu quốc tế của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP. Hồ Chí Minh: tổ chức 9 chương trình giao lưu, thu hút gần 1.000 đại biểu thanh niên quốc tế, điển hình là chương trình Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt – Lào năm 2008, các hoạt động mừng tết cổ truyền cho sinh viên Lào, chương trình hoạt động của tàu Thanh niên Đông Nam Á tại Việt Nam, chương trình giao lưu với Tàu Fujimaru – Nhật Bản, chương trình giao lưu hữu nghị thanh niên Việt Nam – Campuchia, tổ chức Trại hè Việt Nam 2008, chương trình giao lưu với đoàn đại biểu thanh niên Thượng Hải (Trung Quốc). Các hoạt động giao lưu quốc tế đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè thanh niên các nước về đất nước, Thành phố, con người và đặc biệt là thanh niên TP. Hồ Chí Minh.

Đồng chí Tất Thành Cang - Bí thư Thành Đoàn trao biểu trưng cho Sinh viên 3 tốt

Đồng chí Tất Thành Cang - Bí thư Thành Đoàn trao biểu trưng cho Sinh viên 3 tốt

9. Công tác tập hợp thanh niên có bước phát triển, diện tập hợp được mở rộng: Phương thức tập hợp ngày càng được đầu tư: ngày hội cán bộ Đoàn khu vực trường học, Ngày hội học sinh THPT, Ngày hội Cán bộ Hội Sinh viên, Ngày hội Sinh viên 3 tốt. Hội Liên hiệp Thanh niên phát triển mới 99.788 hội viên, tiếp tục phát triển Câu lạc bộ Sao Bắc đẩu thành Tổng đoàn Sao Bắc đẩu với 3 câu lạc bộ, hơn 600 thành viên; đẩy mạnh tổ chức các hoạt động đội nhóm trong công viên. Hội Sinh viên phát triển mới 65.649 hội viên; các cơ sở Đoàn cũng duy trì hoạt động tổ chức 712 lớp tập huấn cho 30.827 cán bộ Đoàn – Hội – Đội về kỹ năng, nghiệp vụ công tác thanh niên.

10. Công tác xây dựng Đoàn, Đoàn tham gia xây dựng Đảng có bước chuyển biến mới: toàn thành phố phát triển được 127.012 đoàn viên mới (tăng gấp rưỡi năm 2007); Ban Thường vụ Thành Đoàn tổ chức các buổi tọa đàm về giải pháp hoạt động Đoàn tại các công trình xa, khu vực ngoài quốc doanh, sinh hoạt Đoàn trong điều kiện học chế tín chỉ; tổ chức 806 lớp tập huấn, bồi dưỡng thu hút 52.119 lượt cán bộ Đoàn tham gia. Trong năm, toàn thành phố giới thiệu cho Đảng 18.797 đoàn viên ưu tú, trong đó có 3.969 đồng chí được kết nạp Đảng, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của 1.523 nhóm tu dưỡng, rèn luyện với 22.075 đoàn viên ưu tú, đảng viên trẻ tham gia.

 


(Theo website Tất Thành Cang)

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2008

Bí thư Thành đoàn Tất Thành Cang tham gia đón tàu thanh niên Đông Nam Á SSEAYP


Lúc 10g sáng nay (26-11), tàu thanh niên Đông Nam Á SSEAYP 2008 đã cập cảng Sài Gòn. SSEAYP năm nay có 328 thành viên đến từ Nhật Bản và 10 nước Đông Nam Á. Đoàn VN gồm 28 thành viên, do MC Diễm Quỳnh – Đài truyền hình VN làm trưởng đoàn.

Bí thư Thành đoàn TP.HCM Tất Thành Cang tặng hoa trưởng đoàn Brunei - Ảnh: Tr.uyên

Bí thư Thành đoàn TP.HCM Tất Thành Cang tặng hoa trưởng đoàn Brunei - Ảnh: Tr.uyên

Các cô gái VN chào đón bạn bè các nước với nụ cười thân thiện - Ảnh: Tr.Uyên

Các cô gái VN chào đón bạn bè các nước với nụ cười thân thiện - Ảnh: Tr.Uyên

Lễ đón tàu nhiều màu sắc đã kéo dài từ 14g45 – 16g cùng ngày. Hấp dẫn nhất là màn chào hỏi bằng cờ ngay trên cầu tàu của từng đoàn trong tiếng hò reo cổ vũ của các tình nguyện viên VN. Rất trẻ trung, rất khí thế và sáng tạo - đó là những điều có thể nói về những tiết mục chào này. Đoàn Singapore tạo “điểm nhấn” khi ngoài cờ, các bạn còn mang theo găng tay, đoàn Nhật Bản nhí nhảnh trong từng động tác, đoàn Indonesia biến tấu tuyệt vời với điệp khúc “Xin chào”, đoàn VN làm nhiều người xúc động khi hai tiếng Việt Nam được phát âm từng chữ cái và xuất hiện cuối cùng… MC Diễm Quỳnh - trưởng đoàn VN được các bạn trẻ chào đón nồng nhiệt.

Các bạn trẻ đoàn Nhật đã có một tiết mục chào rất nhí nhảnh - Ảnh: Tr.Uyên

Các bạn trẻ đoàn Nhật đã có một tiết mục chào rất nhí nhảnh - Ảnh: Tr.Uyên

“Xin chào Việt Nam” - đó là bốn từ được các bạn thanh niên các nước nói nhiều nhất trong chiều hôm nay.

Màu đỏ của cờ VN, của áo tình nguyện viên, những tà áo dài VN đủ màu sắc tạo nên một không khí thật đặc biệt cho cảng Sài Gòn. Các cô gái duyên dáng trong tà áo dài, nón lá trắng, nụ cười trên môi, đón các đoàn ngay dưới chân cầu tàu cũng góp phần làm nên một nét VN thật đáng yêu.

Màn chào hỏi của đoàn Phillipines - Ảnh: Tr.Uyên

Màn chào hỏi của đoàn Phillipines - Ảnh: Tr.Uyên

Một cơn mưa nhẹ vào cuối chương trình đủ làm dịu bớt cái nắng gay gắt và khiến xuất hiện những hình ảnh khá thú vị: các đại biểu choàng ngay áo mưa lên người thay vì mặc, các phóng viên báo chí vừa tác nghiệp vừa cầm mũ tai bèo che máy ảnh…

Trong cuộc họp báo ngắn trước lễ đón tàu. Diễm Quỳnh – trưởng đoàn VN cho biết:  19g hôm nay, đêm giao lưu văn hóa SSEAYP sẽ diễn ra tại hội trường 1, Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM.

Các bạn trẻ VN đã hò reo cổ vũ đoàn Brunei khi các bạn Brunei nói “Xin chào” - Ảnh: Tr.Uyên

Các bạn trẻ VN đã hò reo cổ vũ đoàn Brunei khi các bạn Brunei nói “Xin chào” - Ảnh: Tr.Uyên

Sáng mai (27-11), các đại biểu sẽ tham quan Khu Du lịch Đại Nam và giao lưu với các doanh nghiệp tại Bình Dương. Sau đó, vào lúc 15g, lễ “Nhận gia đình nuôi” sẽ diễn ra tại hội trường TP.HCM (111 Bà Huyện Thanh Quan, Q.3). Khoảng 200 gia đình nhận nuôi đại biểu thuộc 9 quận (1, 3, 4, 5, 7, 10, 11, Phú Nhuận, Tân Bình) sẽ góp phần giới thiệu thêm văn hóa VN từ những sinh hoạt thường ngày.

Theo lịch trình, lễ tiễn tàu sẽ diễn ra vào lúc 14g ngày 29-11 tại Cảng Sài Gòn. Đây là lần thứ 10 tàu thanh niên Đông Nam Á SSEAYP đến VN.

Nụ cười Malaysia dễ thương - Ảnh: Tr.Uyên

Nụ cười Malaysia dễ thương - Ảnh: Tr.Uyên

Ông Nishizawa Tatsushi – lãnh đạo chương trình tàu thanh niên Đông Nam Á SSEAYP 2008 cho biết: “Đây là năm cuối cùng con tàu Nippon Maru thực hiện trọng tránh đưa đoàn thanh niên các nước đi giao lưu. Năm tới, trọng trách này sẽ do một con tàu khác đảm nhiệm nhưng mục đích, sứ mệnh của hành trình vẫn không thay đổi, đó là giúp thanh niên các nước đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau”.

Đoàn Singapore sáng tạo với găng tay trong tiết mục chào - Ảnh: Tr.Uyên

Đoàn Singapore sáng tạo với găng tay trong tiết mục chào - Ảnh: Tr.Uyên

Ông Nishizawa Tatsushi cũng cho biết: “Tôi rất ấn tượng với áo dài VN trong cuộc thi Miss Áo Dài - diễn ra trên tàu vào đêm hôm qua, 25-11-2008. Đó là dịp thật tuyệt vời để bạn trẻ các nước đều có thể mặc áo dài VN. Tôi cũng đánh giá rất cao sự thể hiện của đoàn VN trên tàu”.

Cách chào của các đại biểu Lào - Ảnh: Tr.Uyên

Cách chào của các đại biểu Lào - Ảnh: Tr.Uyên

Đoàn Myanmar được các tình nguyện viên chào đón nồng nhiệt - Ảnh: Tr.Uyên

Đoàn Myanmar được các tình nguyện viên chào đón nồng nhiệt - Ảnh: Tr.Uyên

Đoàn Indonesia đã biến tấu rất tuyệt vời với hai tiếng “Xin chào” - Ảnh: Tr.Uyên

Đoàn Indonesia đã biến tấu rất tuyệt vời với hai tiếng “Xin chào” - Ảnh: Tr.Uyên

Các đại biểu dễ thương của đoàn Thái Lan - Ảnh: Tr.Uyên

Các đại biểu dễ thương của đoàn Thái Lan - Ảnh: Tr.Uyên

 

Màu áo hồng khá nổi bật của đoàn Campuchia - Ảnh: Tr.Uyên

Màu áo hồng khá nổi bật của đoàn Campuchia - Ảnh: Tr.Uyên

 


(Theo website Tất Thành Cang)

Thứ Hai, 24 tháng 11, 2008

Bí thư Thành đoàn Tất Thành Cang tham dự chương trình Vì ngày mai phát triển


Vì ngày mai phát triển – chương trình 20 năm qua đã quy tụ vạn tấm lòng, mang đến nguồn động lực cho hàng vạn bạn trẻ, và buổi hội ngộ giữa họ chiều 23-11 không chỉ có những cuộc tri ân cảm động mà còn có sự ra đời của một học bổng mới, sự tiếp nối mới vì ngày mai phát triển…

“Gặp lại nhau vui mừng, cùng ca vang lên nào, cùng nhau thắp sáng lên niềm tin…”, bài hát anh Phạm Uyên Nguyên viết tặng gia đình Vì ngày mai phát triển (VNMPT) bắt đầu buổi hội ngộ thật ấm áp, thân tình.

Những nhà tài trợ tóc bạc, những thành viên gia đình VNMPT tóc đã điểm bạc, những thành viên mới mắt còn chưa hết ngơ ngác và chưa rời màu áo trắng học trò cùng rạng rỡ nụ cười, cùng vỗ tay, cùng hát.

tat-thanh-cang

Anh Tất Thánh Cang và Đại gia đình “Vì ngày mai phát triển” với quyết tâm chung sức vì thế hệ trẻ tương lai (ảnh chụp chiều 23-11 tại báo Tuổi Trẻ) - Ảnh: H.T.V.

Hội ngộ và tri ân

Những ngày sinh viên vừa nhận học bổng, vừa cặm cụi bơm mực trong tổ hợp sản xuất bút bi của bác Dương Quang Thiện ùa về, TS Lê Thị Thanh Mai (nay là phó ban ĐH và sau ĐH – ĐH Quốc gia TP.HCM) rưng rưng lôi trong giỏ xách ra một “bảo vật”: bài báo của Tuổi Trẻ viết về học bổng Cooperman mà chị được nhận từ năm 1989 đã ố vàng, tờ nguyệt san Nắng Sân Trường của Thành đoàn năm ấy và một chiếc lá ép nhuộm mực tím. TS Lê Nguyễn Minh Quang chạy vòng quanh thăm hỏi, rồi lại chạy đi rót nước cho cô Xuân Lan, người đã trực tiếp tài trợ học bổng cho anh 20 năm về trước…

Những ồn ã của niềm vui hội ngộ rất nhanh chóng lắng xuống khi trên màn hình hiện lên ngôi nhà giản dị và những giờ lao động cần mẫn bên trang sách của ông bà Dương Quang Thiện. Với những thành viên mới của gia đình VNMPT, đây thật sự là một bất ngờ. Cặp mắt của Ngọc Trầm như hút lấy màn ảnh rồi lại quay sang hàng ghế đầu để được nhìn ân nhân của mình. Bạn thì thầm: “Em đã được nghe kể, nhưng nay mới thấy bác tận mắt. Em sẽ cố gắng hơn với kỳ vọng của bác”.

Bài hát của nhạc sĩ Trần Quế Sơn viết tặng chương trình Tiếp sức đến trường vừa cất lên được câu đầu “Gửi hoa cho em trong ngày em đến trường, gửi bao yêu thương theo về nơi giảng đường…”, phía dưới một cô gái chợt bật khóc, chạy ra ngoài. Khi đã qua cơn nức nở, Nguyễn Thị Tam Hiếu thổ lộ: lời ca khiến chị nhớ mẹ quá. Mẹ Hiếu đã mất trước ngày chị vào đại học, trước ngày biết chị được nhận học bổng VNMPT, trước ngày được chứng kiến chị thay đổi đời mình.

Từ nhiều ngày nay, các thành viên của gia đình VNMPT đã tạm gác, sắp xếp lịch làm việc, học tập luôn kín đặc của mình để đảm nhiệm công tác tổ chức cho ngày hội ngộ. Những phóng viên Tuổi Trẻ biết công việc của tổng giám đốc Bachy Solétanche bận rộn như thế nào ở công trình hầm ngầm Thủ Thiêm đều phải ngạc nhiên khi thấy Lê Nguyễn Minh Quang đích thân đứng ở bàn tiếp khách, theo dõi tên từng thành viên đến tham dự…

tat-thanh-cang

Bí thư Thành đoàn Tất Thành Cang trao tặng bằng khen của UBND TP.HCM cho ông Dương Quang Thiện, trong chương trình Vì ngày mai phát triển - Ảnh: HOÀNG THẠCH VÂN

Tiếp tục vì ngày mai phát triển

Tất nhiên chủ đề duy nhất của mọi người là chương trình VNMPT. Cuộc trò chuyện giữa TS Nguyễn Thiện Tống và nguyên phó TBT báo Tuổi Trẻ Nam Đồng, hai người đầu tiên bắt tay “vì ngày mai phát triển” thật thú vị. TS Tống khẳng định: “Tuổi Trẻ dành cho tôi vinh dự là người đầu tiên đề xuất. Tôi thì khẳng định không có Tuổi Trẻ thì không có VNMPT, không có Tuổi Trẻ thì chương trình không được cộng hưởng lớn mạnh như thế. Rất mừng là sau 20 năm, VNMPT vẫn giữ được điều mà ban tổ chức đã thống nhất từ ngày đầu: khi chọn đối tượng thụ hưởng, hình thức thực hiện chương trình phải đúng từ đầu, không được phép làm sai rồi sửa”.

Anh Nam Đồng nhắc lại ba nguyên tắc khi thực hiện chương trình đã được Tuổi Trẻ giữ gìn suốt 20 năm nay, được coi như yếu tố sinh tồn của VNMPT: xét chọn học bổng công khai – dân chủ – công bằng một đồng nhận tài trợ là một đồng trao đến người thụ hưởng, tất cả chi phí tổ chức Tuổi Trẻ chi trả, việc tổ chức trao các học bổng, bàn giao các chương trình phải thật trang trọng. Anh Nam Đồng cười ý vị chỉ TS Tống: “Cú hích đầu tiên của thầy Nguyễn Thiện Tống giống như ngọn gió đông trong trận Xích Bích, nó làm cho lửa đã nhóm sẵn bừng lên…”.

Giám đốc Công ty gạch Đồng Tâm Võ Quốc Thắng kể về những ngày khó khăn trong cơn bão lạm phát và khủng hoảng tài chính vừa qua, giữa những mối lo ngổn ngang, anh đã trào nước mắt ngay khi đang ăn cơm vì trên tivi đưa tin hàng loạt học sinh miền Tây Nam bộ nghỉ học. “Tôi đã phát động một đợt tiết kiệm toàn công ty, từ cái bóng đèn, vé máy bay đi công tác, bữa cơm tiếp khách… để giữa lúc khó khăn vẫn có thể tiếp tục các chương trình Tiếp sức đến trường, Ngăn dòng bỏ học với Tuổi Trẻ”.

Tất cả đều bắt đầu từ những nghẹn ngào trong lòng, nhưng tất cả các nhà tài trợ hôm nay đều khẳng định một điều: chúng tôi không làm từ thiện, không chỉ đơn thuần là giúp người để lòng vui, mà tất cả là vì sự phát triển, vì ngày mai phát triển.

Ông Dương Quang Thiện chậm rãi tâm sự với các em sinh viên là thành viên mới: “Tôi là một cá nhân, để có thể theo đuổi với chương trình VNMPT 20 năm ròng rã, tôi đã phải lập kế hoạch để xây dựng cho mình một cái quỹ, phải làm sao để quỹ ấy có nguồn ổn định và sinh lợi. Đầu tư cho các em cũng vậy, cũng phải sinh lợi, chính là sự phát triển mà các em sẽ đóng góp cho đất nước sau này”.

Vâng, tất cả là vì ngày mai phát triển. Gia đình VNMPT hôm nay đã đủ sức tiếp bước ông Dương Quang Thiện. TS Lê Nguyễn Minh Quang đại diện gia đình VNMPT tuyên bố thành lập ban liên lạc, khai sinh học bổng mới: Nhịp cầu tương lai “để các học sinh, sinh viên đi sau có thể đi trên nhịp cầu là đôi vai những người đi trước”. Các thành viên của gia đình VNMPT đã chọn cho mình họ Thiện để mãi ghi ơn thầy Nguyễn Thiện Tống, ông bà Dương Quang Thiện. Và các anh Hai Thiện Quang (TS Lê Nguyễn Minh Quang), anh Ba Thiện Nguyên (Phạm Uyên Nguyên), chị Tư Thiện Nga (Ngô Ngọc Nga), anh Năm Thiện Liêm (Nguyễn Thanh Liêm), anh Sáu Thiện Cải (Nguyễn Văn Cải)… sẽ cùng nhau tiếp tục con đường vì ngày mai phát triển.

PHẠM VŨ


(Theo website Tất Thành Cang)

Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2008

Ông Tất Thành Cang tham gia chương trình “Hội ngộ gia đình Vì ngày mai phát triển”


Chương trình tri ân và hội ngộ 20 năm chương trình Vì ngày mai phát triển đã diễn ra trong chiều 23-11 tại trụ sở báo Tuổi Trẻ với sự tham gia của Bí thư Thành đoàn TP.HCM Ông Tất Thành Cang và hơn 200 thành viên gia đình Vì ngày mai phát triển và những người đồng hành cùng chương trình trong suốt 20 năm.

Bí thư Thành đoàn TP.HCM Tất Thành Cang trao tặng bằng khen của UBND TP cho thầy Chu Xuân Thành

Bí thư Thành đoàn TP.HCM Tất Thành Cang trao tặng bằng khen của UBND TP cho thầy Chu Xuân Thành

Với bầu không khí giao lưu ấm áp, nhiều kỷ niệm về chương trình Vì ngày mai phát triển được ôn lại, từ cuộc gặp gỡ khởi xướng chương trình giữa PGS.TS Nguyễn Thiện Tống và ông Nam Đồng, tổng biên tập báo Pháp Luật, nguyên phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ; đến những cảm xúc vẫn còn vẹn nguyên về những ngày tháng được “tiếp sức” của các thành viên gia đình Vì ngày mai phát triển, như TS Lê Thị Thanh Mai, thầy giáo Nguyễn Văn Cải, tổng giám đốc Công ty gạch Đồng Tâm Long An Võ Quốc Thắng…

Đại gia đình Vì ngày mai phát triển với quyết tâm chung sức vì thế hệ trẻ tương lai

Đại gia đình Vì ngày mai phát triển với quyết tâm chung sức vì thế hệ trẻ tương lai

Tri ân và hội ngộ 20 năm chương trình cũng đã có 8 cá nhân được nhận bằng khen của Trung ương Đoàn, 15 cá nhân được nhận bằng khen của UBND TP.HCM vì những đóng góp cho chương trình. Báo Tuổi Trẻ cũng đã trao kỷ niệm chương để tỏ lòng tri ân những mạnh thường quân đã đồng hành cùng Vì ngày mai phát triển trong thời gian qua.

PV


(Theo website Tất Thành Cang)

Thứ Ba, 20 tháng 5, 2008

Phát biểu của ĐBQH Tất Thành Cang tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XII


ĐBQH Tất Thành Cang

ĐBQH Tất Thành Cang

Kính thưa Quốc hội

Tôi nhất trí cao với nội dung Báo cáo thẩm tra của Ủy ban văn hóa giáo dục về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xuất bản. Đó là những vấn đề rất sát với thực tiễn hoạt động xuất bản hiện nay. Nếu quá trình sửa đổi chúng ta chỉ dừng lại ở một số nội dung như Tờ trình của Chính phủ thì có khả năng 1 hoặc 2 năm nữa Quốc hội chúng ta lại phải tiếp tục để sửa luật ở những nội dung đã được giám sát và báo cáo trước Quốc hội của ngày hôm nay.

Nội dung thứ hai, tôi xin được góp ý ở mấy nội dung lớn. Nội dung thứ nhất đó là liên quan đến Điều 11, 12, 13, 14 của Luật xuất bản, theo các điều này thì nhà xuất bản tồn tại theo 2 loại hình, một là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện, hai là đơn vị sự nghiệp. Tuy nhiên, trong quá trình chúng ta triển khai thì Điều 12, 13, 14 chúng ta chỉ mới quy định các chức danh và tổ chức thực hiện theo quy định là một đơn vị sự nghiệp chứ chúng ta chưa đề cập đến hoạt động của nhà xuất bản với tư cách là một doanh nghiệp. Ở đây tôi muốn nói đến đã là một doanh nghiệp thì theo Luật doanh nghiệp năm 2005, nhưng Luật xuất bản chúng ta là 2004, do đó chưa đề cập đến ở những nội dung này. Một là Hội đồng thành viên trong doanh nghiệp Nhà nước một thành viên. Hai là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ba là chủ sở hữu vốn. Bốn là đại diện sở hữu vốn trong doanh nghiệp xuất bản. Do đó, để phù hợp với yêu cầu phát triển của báo chí xuất bản trong giai đoạn mới như sự lãnh đạo của Đảng nên thành những tập đoàn tổ hợp đủ mạnh trong cạnh tranh quốc tế và đồng thời kỳ này chúng ta cũng phải đề cập đến những nội dung mà Luật xuất bản chúng ta chưa đề cập đến trong phạm vi điều chỉnh của mình. Do đó tôi đề nghị 3 nội dung sau đây.

Một, trong Điều 12, 13, 14 chúng ta cũng phải tính đến việc bổ nhiệm Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên đối với các doanh nghiệp xuất bản. Bởi vì đây là những doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện, do đó tiêu chuẩn của chủ Hội đồng thành viên là cực kỳ quan trọng chúng ta phải nêu ra.

Hai là, mối quan hệ giữa chủ sở hữu chủ quản trong các loại hình doanh nghiệp này, có thể một nhà xuất bản có chủ sở hữu là một doanh nghiệp. Tôi nói ví dụ: Nhà xuất bản văn hóa Sài Gòn có chủ sở hữu là Tổng Công ty văn hóa Sài Gòn. Đây cũng được hiểu là chủ quản của Nhà xuất bản Sài Gòn, nhưng một số Nhà xuất bản khác cũng với tư cách là doanh nghiệp, nhưng có chủ sở hữu là một tổ chức chính trị – xã hội, ví dụ Nhà xuất bản Trẻ là doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn một thành viên, nhưng thuộc tổ chức chính trị – xã hội là Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó mối quan hệ giữa chủ sở hữu chủ quản phải được quy định chi tiết trong Điều 12, 13, 14 này để cụ thể hóa nhiệm vụ, chức năng và quyền hạn của các đơn vị trong quá trình lãnh đạo, phát triển hoạt động của Nhà xuất bản.

Ba là những nội dung chi phối có điều kiện của một doanh nghiệp có điều kiện được thể hiện như thế nào trong điều lệ của một doanh nghiệp xuất bản. Tôi muốn nói hiện nay nếu điều lệ của một công ty thì chúng ta làm theo Luật doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện, phải có luật chuyên ngành chi phối và như vậy thì một trong những điều kiện bổ sung vào trong điều lệ của các doanh nghiệp kinh doanh ngành xuất bản thì Luật xuất bản chúng ta phải đề cập tới những nội dung cơ bản.

Nội dung thứ hai, tôi xin được góp: đó là hiện nay trong quá trình chúng ta tăng cường phân cấp về công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, trong đó có công tác phân cấp quản lý cán bộ đã giao mạnh về cho địa phương. Ví dụ, hiện nay Quyết định 75 của Ban bí thư Trung ương Đảng ban hành vào tháng 8/2007 về quy chế, về công tác cán bộ trong lĩnh vực báo chí đã phân cấp mạnh. Báo chí của Trung ương thì công tác cán bộ do Ban Tuyên giáo của Trung ương Đảng và Bộ Thông tin truyền thông hiện nay sẽ thỏa thuận trước khi cơ quan chủ quản bổ nhiệm.

Đối với báo chí địa phương là do Ban tuyên Giáo tỉnh, thành ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quá trình làm công tác cán bộ và giao cho chủ quản bổ nhiệm. Do đó tôi đề nghị sửa Khoản 3, Điều 13 theo hướng Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc, Tổng Biên tập các nhà xuất bản thuộc các cơ quan Trung ương thì cơ quan chủ quản hoặc là chủ sở hữu sẽ bổ nhiệm sau khi thỏa thuận với Bộ Thông tin truyền thông.

Đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc, Tổng biên tập, các nhà xuất bản địa phương sau khi thỏa thuận với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì chủ sở hữu hoặc cơ quan chủ quản sẽ được bổ nhiệm theo như phân cấp. Ở đây Khoản 3, Điều 7 của Luật Xuất bản đã có nói tới “Ủy ban nhân dân tỉnh, thành là cơ quan quản lý Nhà nước địa phương đối với nhà xuất bản địa phương”.

Nội dung thứ ba, Điều 38, trong cấp phép hoạt động kinh doanh xuất bản phẩm ở Tiết b, Khoản 1, chúng ta có nói đến nhân lực đủ trình độ ngoại ngữ, nghiệp vụ nhập khẩu. Tuy nhiên khi chúng ta nhập khẩu xuất bản phẩm, điều quan trọng nhất là xuất bản phẩm đó nó liên quan đến chuyên ngành nào về khoa học, kỹ thuật, giáo dục, văn hóa hay văn học nghệ thuật. Do đó tôi đề nghị ở đây đủ nhân lực, có đủ trình độ chuyên môn về chuyên ngành và ngoại ngữ thì chúng ta mới cấp phép. Còn nghiệp vụ xuất, nhập khẩu thì việc đó chúng ta có thể thuê tư vấn cũng được.

Về chế tài xử lý vi phạm trong hoạt động xuất bản hiện nay, đặc biệt đó là vấn đề xuất bản và phát hành sách lậu, tôi cho đây là vấn đề bức xúc nhất. Nói đến vấn đề này, chúng ta đề cập đến 3 đối tượng: Một là tổ chức, cá nhân kinh doanh sách lậu, tổ chức ở đây tôi muốn nói có những doanh nghiệp đã đứng ra làm hoặc những cá nhân đứng ra làm; Hai là cơ sở in sách lậu; Ba là tổ chức, cá nhân phát hành sách lậu. Do đó, ở nội dung này, tôi đề nghị chúng ta nghiên cứu đến 3 đối tượng này.

Ba tác hại lớn của sách lậu đối với xã hội là:

Một là làm mất uy tín của quốc gia, của nước Việt Nam ta nếu sách đó là sách chúng ta đã thương lượng mua bản quyền của nước ngoài và vi phạm Công ước Berne về tác quyền, mất uy tín của Nhà xuất bản làm ăn chân chính, vì Nhà xuất bản làm ăn chân chính phải ký hợp đồng thương lượng và mua bản quyền, bị đơn vị khác lột sách, mất uy tín.

Hai là khách hành, người dân khi mua các loại sách này sẽ bị chịu thiệt, chất lượng kỹ thuật in ấn và mỹ thuật không đảm bảo, nội dung nhiều khi không chính xác, không ai chịu trách nhiệm vì đã làm sách lậu không có nộp lưu chiểu, ảnh hưởng lớn đến việc nhận thức và tri thức thông tin của người đọc sau tiếp nhận ở các loại sách này.

Ba là dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, vì trốn thuế và trốn được tiền tác quyền.

Do đó, tôi đề nghị đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật làm sách lậu như đã trình bày ở trên, phải bị rút giấy phép kinh doanh trong lĩnh vực hoạt động của mình. Nếu chỉ phạt tiền vài chục triệu, hàng trăm triệu đồng không đủ sức ngăn chặn, răn đe trong tình trạng làm lậu sách quá nhiều như hiện nay. Tôi xin hết.


(Theo website Tất Thành Cang)

Thứ Ba, 25 tháng 3, 2008

Bí thư Thành đoàn TP.HCM Tất Thành Cang: Đổi mới quyết liệt để thu hút người trẻ, giỏi


Bí thư Thành đoàn TP.HCM Tất Thành Cang  - Ảnh: Q.Linh

Bí thư Thành đoàn TP.HCM Tất Thành Cang - Ảnh: Q.Linh

Hôm nay (25-3), Thành đoàn TP.HCM đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động do Chủ tịch nước trao tặng với thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo giai đoạn 1997-2006.

Trao đổi cùng Tuổi Trẻ, bí thư Thành đoàn TẤT THÀNH CANG chia sẻ:

- Chúng ta tự hào vì tuổi trẻ TP.HCM đã đóng góp nhiều trong sự nghiệp giải phóng đất nước mà thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp ấy. Vinh dự nhiều, trách nhiệm cũng cao. Phải có những bước đột phá cho phong trào thanh niên (TN) chính là trăn trở đối với cán bộ Đoàn hiện nay.

* Nhiều năm liền gắn bó với phong trào và hiện là người chịu trách nhiệm về hoạt động của tuổi trẻ TP, theo anh, đâu là điểm nổi bật nhất của hoạt động Đoàn TP mười năm trở lại đây?

- Mười năm qua chúng ta có nhiều đột phá để làm phong trào, gắn phong trào với việc chăm lo TN, xây dựng TP và đất nước. Quyết tâm thực hiện công trình 1.000 phòng học dù không đạt chỉ tiêu số lượng nhưng đã khơi được sức TN trong một công trình ý nghĩa.

Sự ra đời của Quĩ bảo trợ tài năng trẻ, phong trào SV nghiên cứu khoa học Eureka, ra mắt Trung tâm Hỗ trợ SV đầu tiên của cả nước và đã được nhân rộng nhiều nơi. Hay Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân đi vào hoạt động gần hai năm, và tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần IX vừa qua Chính phủ đã đồng ý cho thí điểm triển khai mô hình này tại một số tỉnh thành. Tiếp sức mùa thi đã trở thành một hoạt động của Bộ Giáo dục – đào tạo mỗi mùa tuyển sinh; các phong trào ba giúp của TN nông thôn; hội thi bàn tay vàng, nâng cao tay nghề công nhân lao động; các câu lạc bộ Sức sống mới hỗ trợ các bạn trẻ sau cai trở về địa bàn dân cư…

Điểm sáng nhất ai cũng có thể thấy là sự phát triển của phong trào tình nguyện, từ chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè thành Mùa hè xanh, đã nhân rộng thành phong trào TN tình nguyện cả nước. Rồi chiến dịch Hoa phượng đỏ cho học sinh, Kỳ nghỉ hồng cho TN công nhân, Hành quân xanh cho TN lực lượng vũ trang. Cạnh đó, chương trình “Nghĩa tình biên giới hải đảo” mỗi năm tuổi trẻ TP gửi tặng nhân dân và chiến sĩ Huyện đảo Trường Sa 3 tỉ đồng. Và có thể nói TP.HCM cũng là nơi đầu tiên tổ chức cuộc thi Olympic các môn khoa học Mác-Lênin “Tầm nhìn xuyên thế kỷ” (2001) mà hiện đã được tổ chức tại nhiều nơi.

* Là đơn vị hai lần nhận danh hiệu anh hùng: Anh hùng lực lượng vũ trang (1996) và Anh hùng lao động, Đoàn TN TP sẽ làm gì để xứng đáng và tiếp tục phát huy truyền thống đó?

- Hai danh hiệu anh hùng mà chúng ta đã được trao tặng là công sức đóng góp rất lớn của nhiều thế hệ cán bộ Đoàn, đoàn viên, thanh thiếu nhi.

Do đó, Đoàn TN TP phải làm sao để mỗi bạn trẻ thấy được hình ảnh của mình trong mục tiêu xây dựng dân giàu nước mạnh của đất nước. Quan trọng nhất vẫn là cái tâm với đất nước, là lòng yêu nước, sự tự hào, tự tôn dân tộc. Tôi nghĩ Đoàn TN TP ngoài những việc đã và đang làm hiện tại phải tiếp tục phát hiện, chăm lo và bồi dưỡng tài năng trẻ để từ những hạt nhân đó chúng ta thu hút được số đông khác.

Mặt khác, phải thay đổi căn bệnh hành chính của Đoàn. Sẽ không phát triển đoàn viên ồ ạt mà phải là sự xuất hiện của các hội, thu hút hàng triệu bạn trẻ với mục tiêu chung là yêu nước và muốn xây dựng đất nước.

* Để phong trào sát nhu cầu bạn trẻ, Thành đoàn sẽ đầu tư thế nào cho đội ngũ cán bộ Đoàn?

- Tập hợp TN dựa trên điểm chung là lòng yêu nước. Chúng ta phải có những thủ lĩnh TN giỏi, sáng tạo, linh động, hiểu tâm lý TN, phải ở trong TN, cùng làm với TN và có tầm nhìn bao quát.

Do đó, trang bị kỹ năng cho đội ngũ cán bộ Đoàn là việc hết sức cần thiết. Với những bạn trẻ có trình độ, tâm huyết với công tác TN, Đoàn sẽ mời gọi. Bản thân tổ chức Đoàn phải đổi mới quyết liệt để người trẻ, giỏi luôn muốn tham gia tổ chức.

* Cùng với đào tạo cán bộ Đoàn, Thành đoàn tham gia thế nào vào việc tạo nguồn nhân lực trẻ cho sự phát triển của TP hiện nay và những năm tới?

- Đoàn phải là chủ lực trong phát hiện, giới thiệu bạn trẻ tham gia chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của TP. Thông qua nghiên cứu khoa học sẽ tôn vinh, động viên, đồng thời bồi dưỡng các bạn chuyên sâu hơn. Khi phát hiện người tài, Đoàn sẽ kiến nghị với lãnh đạo TP cũng như tham mưu các cơ chế chính sách động viên kịp thời tài năng trẻ. Mặt khác, Đoàn tạo môi trường để mỗi bạn trẻ đều có cơ hội cống hiến, học tập và phát triển. Đất nước đang chuyển mình, Đoàn phải đi đầu xây dựng một xã hội học tập.

* Xin cảm ơn anh!

KIM ANH – QUỐC LINH

Hôm nay (25-3), Thành đoàn TP.HCM đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động do Chủ tịch nước trao tặng với thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo giai đoạn 1997-2006.

Trao đổi cùng Tuổi Trẻ, bí thư Thành đoàn TẤT THÀNH CANG chia sẻ:

- Chúng ta tự hào vì tuổi trẻ TP.HCM đã đóng góp nhiều trong sự nghiệp giải phóng đất nước mà thế hệ trẻ hôm nay tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp ấy. Vinh dự nhiều, trách nhiệm cũng cao. Phải có những bước đột phá cho phong trào thanh niên (TN) chính là trăn trở đối với cán bộ Đoàn hiện nay.

* Nhiều năm liền gắn bó với phong trào và hiện là người chịu trách nhiệm về hoạt động của tuổi trẻ TP, theo anh, đâu là điểm nổi bật nhất của hoạt động Đoàn TP mười năm trở lại đây?

- Mười năm qua chúng ta có nhiều đột phá để làm phong trào, gắn phong trào với việc chăm lo TN, xây dựng TP và đất nước. Quyết tâm thực hiện công trình 1.000 phòng học dù không đạt chỉ tiêu số lượng nhưng đã khơi được sức TN trong một công trình ý nghĩa.

Sự ra đời của Quĩ bảo trợ tài năng trẻ, phong trào SV nghiên cứu khoa học Eureka, ra mắt Trung tâm Hỗ trợ SV đầu tiên của cả nước và đã được nhân rộng nhiều nơi. Hay Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân đi vào hoạt động gần hai năm, và tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần IX vừa qua Chính phủ đã đồng ý cho thí điểm triển khai mô hình này tại một số tỉnh thành. Tiếp sức mùa thi đã trở thành một hoạt động của Bộ Giáo dục – đào tạo mỗi mùa tuyển sinh; các phong trào ba giúp của TN nông thôn; hội thi bàn tay vàng, nâng cao tay nghề công nhân lao động; các câu lạc bộ Sức sống mới hỗ trợ các bạn trẻ sau cai trở về địa bàn dân cư…

Điểm sáng nhất ai cũng có thể thấy là sự phát triển của phong trào tình nguyện, từ chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè thành Mùa hè xanh, đã nhân rộng thành phong trào TN tình nguyện cả nước. Rồi chiến dịch Hoa phượng đỏ cho học sinh, Kỳ nghỉ hồng cho TN công nhân, Hành quân xanh cho TN lực lượng vũ trang. Cạnh đó, chương trình “Nghĩa tình biên giới hải đảo” mỗi năm tuổi trẻ TP gửi tặng nhân dân và chiến sĩ Huyện đảo Trường Sa 3 tỉ đồng. Và có thể nói TP.HCM cũng là nơi đầu tiên tổ chức cuộc thi Olympic các môn khoa học Mác-Lênin “Tầm nhìn xuyên thế kỷ” (2001) mà hiện đã được tổ chức tại nhiều nơi.


(Theo website Tất Thành Cang)